Chào bạn, người chuẩn bị đặt chân vào Công ty kiểm toán. Từ kinh nghiệm cá nhân, mình nhận thấy Kiểm toán là một trong những nghề có lộ trình phát triển rõ ràng và công bằng. Bạn không thể nhảy cóc lên sếp khi chưa chập chững tập đi, và khi đã đủ vững vàng thì không ai có thể kìm hãm bạn chạy, có thể trong cùng Công ty hoặc bay cao tới các vùng trời khác.
Bài viết này sẽ đề cập tới 6 nấc thang phát triển của 1 nhân sự trong công ty kiểm toán. Dù bản thân mới đi được nửa chặng đường, mình cũng sẽ chia sẻ với bạn về từng bậc theo góc nhìn và quan điểm cá nhân, không chỉ trong ngành kiểm toán mà còn ở thị trường lao động nói chung.
- Thực tập sinh (Intern): Thời “ngây ngô” mới đi làm, mình nghĩ Chương trình Internship là cách các công ty hỗ trợ sinh viên sắp tốt nghiệp có cơ hội thực tập trong môi trường công việc thực sự để có kinh nghiệm chuẩn bị “bước vào đời”. Điều này không sai, nhưng đính chính lại, không phải chỉ sinh viên có lợi mà đây là mối hợp tác win-win, lợi cả đôi đường. Vì sao lại thế?
Khi hiểu sâu về cách thức vận hành doanh nghiệp, mình hiểu rằng Lao động thời vụ (tiếng Anh là “casual”) là lực lượng lao động vô cùng quan trọng. Nếu như với Lao động chính thức, Công ty luôn phải đảm bảo lương và các chế độ đi kèm và điều này thực sự là áp lực trong những thời điểm kết quả kinh doanh kém, thì với Lao động thời vụ, công ty chỉ cần tuyển ngắn hạn khi có nhu cầu, ví dụ 1 ca làm, 1 ngày, 1 tuần,… Theo luật Lao động mới nhất, Lao động làm việc dưới 1 tháng sẽ không cần ký HĐLĐ nên cũng sẽ không có các quyền lợi như bảo hiểm, khám sức khỏe, du lịch năm,…, giúp Công ty tiết kiệm kha khá chi phí. Tất nhiên, nói xuôi cũng cần xem ngược, chất lượng và độ cam kết của Lao động thời vụ sẽ không thể bằng nhân viên chính thức, bởi họ không được đào tạo bài bản cũng như không có gì ràng buộc, nên các công ty vẫn phải cân đối giữa 2 nhóm lao động này, và đây thực sự là bài toán khó với bộ phận nhân sự mỗi khi công ty vào đợt giảm biên chế.
Như vậy, có thể thấy Thực tập sinh chính là nhóm lao động thời vụ cực kỳ quan trọng của các công ty kiểm toán mỗi khi vào mùa, vừa đảm bảo đủ lượng “công nhân cày cuốc”, vừa đỡ phải “nuôi đông quân”. Khi kết thúc mùa, một số sinh viên thể hiện tốt hoàn toàn có thể được giữ lại và trở thành nhân viên chính thức. Còn không, việc được thực tập trong 1 công ty tốt, đặc biệt Big 4 (Top 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới là Deloitte, KPMG, PWC, E&Y) đã là điểm nhấn trong CV của bạn rồi. Vì vậy, lời khuyên là hãy luôn hết mình dù được giao nhiệm vụ gì và chắt chiu từ những cơ hội nhỏ nhất nhé.
- Trợ lý kiểm toán (Audit Assistant): Thông thường, các bạn sinh viên mới ra trường sẽ ứng tuyển vào vị trí này, hoặc thực tập sinh thể hiện tốt cũng sẽ được giữ lại khi hết mùa thực tập. Lúc này, bạn sẽ được ký HĐLĐ chính thức, được phát balo, laptop và các dụng cụ làm việc và chính thức trở thành “công nhân kiểm toán”. Thời gian làm Trợ lý kiểm toán thường kéo dài 2 năm.
Với kế toán, bạn có thể nhảy ngang từ ngành khác sang kế toán trưởng, nhưng với kiểm toán thì hầu như ai cũng phải đi lần lượt từ cấp độ đầu tiên, không có “nhảy cóc”. Cũng chính vì lý do này, nếu đã ra trường đi làm vài năm, nhiều bạn muốn thử sức với nghề kiểm toán nhưng không dám “đập đi làm lại từ đầu”.
Khi làm trợ lý kiểm toán năm đầu, bạn chắc chắn được dạy cách “làm tiền”. Đoạn đầu tiên trong bài “Thơ tình kiểm toán” nổi tiếng cũng đề cập đến vấn đề này “Lần đầu tiên đi khách – Anh dạy em làm tiền – Em ngượng ngùng từ chối – Anh bảo rồi sẽ quen”. Khoan khoan, đầu bạn đang nghĩ gì đó, “làm tiền” là các thủ tục kiểm toán để kiểm tra số dư tiền và các khoản tương đương tiền trên Bảng cân đối kế toán. Đây có thể coi là phần hành trực quan và đơn giản nhất, nên luôn được dành cho lần đầu tiên của các trợ lý kiểm toán. Một công việc nữa là “vouching machine”, nôm na là chọn mẫu và kiểm tra chứng từ. Mình nhớ mãi trong nhóm kiểm toán ngày xưa có một “thằng ku intern” được phân công check chứng từ, đến giữa buổi, nó đi ra chỗ mình rồi thốt lên “Em ước có cái máy check chứng từ, chứ “máy chạy cơm” này check bao giờ mới xong”. Mình nghe mà buồn cười, liền đáp lại “Có cái máy đấy thì chị em mình thất nghiệp hết. Thôi quay về check tiếp đi”.
Sau 2 năm làm trợ lý kiểm toán, bạn sẽ được kinh qua tất cả phần hành của 1 job kiểm toán, đơn giản nhất là tiền và check chứng từ, khoai nhất là hàng tồn kho và giá thành. Có những job mình làm 2 năm mới hiểu hoàn toàn, có job khiến bản thân mất ăn mất ngủ đêm nằm mơ số,… nhưng ai làm nghề chân chính chắc chắn cũng trải qua những giây phút này, và cảm giác “thông số” thật sự rất tuyệt, giống như 1 cuộn chỉ rối bỗng đến một ngày được gỡ và cuộn lại gọn gàng.
- Trưởng nhóm kiểm toán (Audit Senior): Sau 2 năm làm trợ lý kiểm toán và thể hiện tốt, bạn sẽ được “thăng chức” thành Trưởng nhóm kiểm toán. Lúc này, bạn sẽ không đơn thuần là một thành viên trong nhóm kiểm toán nữa mà đã trở thành Leader – người phụ trách một nhóm các trợ lý kiểm toán cấp dưới để thực hiện các cuộc kiểm toán. Thời gian ở vị trí này cũng thường kéo dài 2 năm.
Năm đầu, bạn sẽ thường được phân công các job nhỏ/trung bình hoặc các job mà những năm trước bạn là thành viên nhóm. Năm tiếp theo, các job lớn hoặc hợp nhất sẽ không trượt khỏi tay bạn. Ngoài chuyên môn được hoàn thiện, bạn được phát triển các kỹ năng mềm khác như khả năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc với khách hàng, trao đổi hay giải quyết những vụ việc phát sinh trong quá trình kiểm toán.
Với khối lượng công việc như vậy, chắc hẳn trách nhiệm của bạn cũng phải cao hơn. Công việc không chỉ bắt đầu từ khi đến khách hàng như Trợ lý kiểm toán mà trước đó, ngay khi được phân job, bạn đã phải liên hệ khách hàng xin tài liệu, lập kế hoạch kiểm toán, kick-off meeting và phân công công việc, sắp xếp lịch trình nếu phải đi công tác xa. Đồng thời, nếu Trợ lý kiểm toán chỉ cần trả file xong cho Trưởng nhóm là xong job thì bạn phải follow up đến khi phát hành được báo cáo. Có job đi về cả tháng nhưng pending chưa issue được báo cáo thì bạn vẫn chưa gạch job ra khỏi list việc được, bởi một ngày đẹp trời khách hàng có thể bất chợt đòi báo cáo dù cả tá tài liệu bạn cần cung cấp thêm chưa thấy đâu. Kim chỉ nam lúc này là “Khách hàng là cha là mẹ. Không được đánh khách hàng” :))
- Chủ nhiệm kiểm toán (Audit Manager): Tùy mỗi công ty và lộ trình phát triển của mỗi người, nhưng tối thiểu sau 5-6 năm trong nghề, bạn có thể trở thành Chủ nhiệm kiểm toán và điều hành một cuộc kiểm toán lớn hoặc giám sát nhiều cuộc kiểm toán nhỏ, trung bình. Thời gian bạn ngồi ở khách hàng có thể sẽ ít hơn trước nhưng công việc thì không hề giảm, bởi các vấn đề mà Chủ nhiệm kiểm toán phải xử lý sẽ đau đầu và phức tạp hơn. Ở cấp độ này, bạn cần hoàn thành Chứng chỉ CPA Việt Nam để có thể ký vào báo cáo kiểm toán và chịu trách nhiệm pháp lý với nó.
Chúng mình hay trêu nhau, làm Trợ lý hay Trưởng nhóm kiểm toán thì vẫn là kiếp con Sen, khi nào lên “Man(ager)” thì mới là kiếp người. Tuy nhiên, mình thì không chờ được đến kiếp này mà đã nhảy việc. Bây giờ khi nhìn lại, mình thấy bản thân hơi nóng vội. Bởi kiểm toán giống như một bước đệm vô cùng vô cùng quan trọng để bạn tiến các bước tiếp theo. Nếu đã là Chủ nhiệm kiểm toán, bạn có thể tự tin apply vào vị trí Trưởng/Phó phòng các doanh nghiệp bên ngoài. Còn nếu rời đi khi vẫn là nhân viên, con đường phấn đấu của bạn gần như phải bắt đầu lại từ đầu. Do đó, mỗi khi đàn em trong nghề hỏi về thời điểm nhảy việc, mình vẫn luôn giữ lời khuyên “hãy kiên nhẫn và chờ đợi”.
- Giám đốc kiểm toán (Audit Director): “Manager khó, ló Director”. Đây sẽ là người xử lý các vấn đề trên tầm Chủ nhiệm kiểm toán. Tuy nhiên, chuyên môn chỉ chiếm phần nhỏ trong khối lượng công việc hàng ngày của Giám đốc kiểm toán. Nhiệm vụ quan trọng của Giám đốc kiểm toán là “đi sale”, tìm kiếm khách hàng mới và duy trì mối quan hệ với các khách hàng cũ, tính toán chi phí để chào giá cho một cuộc kiểm toán,…
- Chủ phần hùn kiểm toán (Audit Partner): Đây có thể coi là cấp độ cao nhất trong công ty kiểm toán, là người điều hành và chịu trách nhiệm một mảng khách hàng. Công việc của bạn lúc này thiên về phát triển và duy trì khách hàng nhiều hơn là giải quyết các vấn đề kỹ thuật. Bạn cũng có thể có vốn góp trong công ty, cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro.
Một người bạn của mình, khi đang là Chủ nhiệm kiểm toán cho công ty kiểm toán nọ thì đã góp vốn để mở riêng một công ty kiểm toán khác, vậy là thành Partner. Tất nhiên, không cần lập công ty thì bạn vẫn có thể trở thành Partner trong công ty kiểm toán hiện tại, tuy nhiên, số lượng này vô cùng ít và khi đã đạt được, chắc chắn bạn là một người xuất sắc.
Nhìn chung, 3 cấp độ đầu trong công ty kiểm toán (thực tập sinh, trợ lý kiểm toán, trưởng nhóm kiểm toán) là thời gian phát triển chuyên môn. Lên các level tiếp theo, thời gian dành cho chuyên môn giảm dần, từ khoảng 60% ở Chủ nhiệm kiểm toán xuống 20% ở Giám đốc kiểm toán và chỉ khooảng 10% khi lên đến cấp độ Chủ phần hùn. Tất nhiên, một kỹ năng khác sẽ lấp vào chỗ trống là kỹ năng tìm kiếm khách hàng mới và duy trì mối quan hệ với các khách hàng cũ, cũng như xây dựng thương hiệu cá nhân và danh tiếng công ty.
Làm kiểm toán, bạn sẽ phải đánh đổi nhiều thứ. Nhưng một lời khuyên trong podcast “20 lời khuyên dành cho tuổi 20” của chị Chi Nguyễn mà mình ấn tượng, đó là “Hãy bất cân bằng”. Khi bạn còn trẻ, đừng quá cố gắng để có Work-Life balance mà có thể nghiêng về Work nhiều hơn bởi bạn có nhiều thời gian và sức khỏe cũng như chưa vướng bận gia đình, con cái. Bạn có thể thử nhiều công việc nhưng cũng có thể sống hết mình với 1 công việc duy nhất, ví dụ như các bạn làm trong nghề kiểm toán, cố gắng vài năm chăm chỉ trau dồi kiến thức và kỹ năng để dù có tiến xa hơn trong nghề hay không, bạn cũng có nền tảng vững chắc. Trong nghề này, dù là COCC, bạn cũng không thể nhảy cóc lên vị trí Trưởng nhóm kiểm toán chứ đừng nói đến các cấp bậc cao hơn nếu không có thực hành hàng ngày. Và cũng bởi không thể nhảy cóc, các nấc thang tiến lên trong nghề rất rõ ràng, cơ hội luôn rộng mở cho tất cả những ai cố gắng. Do đó, nếu đã lựa chọn nghề kiểm toán, hãy vững tin bước đi.
Cám ơn bạn đã ghé đọc,
Minh Hiền.
Lại một bài viết hay với đầy đủ chi tiết của từng bước phát triển nghề và những lời khuyên quá bổ ích 💐
Sau vài ngày chờ đợi, mình đã thấy được bài viết mới từ bạn. Dù bài viết hơi dài nhưng mình đã đọc không bỏ xót một từ nào. Bài viết đã nói rất chi tiết các bước phát triển nghề kiểm toán, đồng thời cũng có nhiều lời khuyên bổ ích.
Cảm ơn bạn đã ghé chơi nhà. Những thông tin này mình đều viết từ trải nghiệm của bản thân nên rất vui khi nó hữu ích cho bạn. Chúc bạn thành công trên con đường này 😀