Khi một người quyết định rời bỏ ngành kiểm toán, trước mắt họ mở ra một thế giới rộng lớn của cơ hội và khám phá. Trải qua nhiều năm làm việc trong lĩnh vực này, họ tích luỹ được một lượng kiến thức vô cùng quý báu về hoạt động của các loại hình doanh nghiệp/tổ chức khác nhau, tài chính, quản lý, và phân tích dữ liệu. Những kỹ năng này có thể được áp dụng vào nhiều lĩnh vực, mở ra nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp. Điều quan trọng là đảm bảo rằng quyết định này phù hợp với mục tiêu cá nhân và đam mê của họ. Sự tương thích và sự hứng thú trong hướng phát triển mới sẽ là động lực quan trọng để đạt được thành công trong tương lai.
Tiếp nối bài viết Nấc thang sự nghiệp trong nghề kiểm toán, bằng kinh nghiệm và quan sát cá nhân, mình sẽ đưa tới bạn một số hướng phát triển sau khi rời ngành, khi bạn cảm thấy đã sẵn sàng để bước ra và đón nhận một cơ hội mới.
- Kiểm toán nội bộ
Đây chắc là hướng đi mà các trợ lý kiểm toán hoặc trưởng nhóm kiểm toán rẽ ngang nhiều nhất – từ kiểm toán độc lập, chúng mình trở thành kiểm toán nội bộ hoặc kiểm soát viên trong các doanh nghiệp.
Trong vai trò kiểm toán độc lập, chúng mình thường tập trung vào việc xem xét và đánh giá tính trung thực của báo cáo tài chính để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp cho các bên thứ ba là đáng tin cậy. Tuy nhiên, khi trở thành một thành viên của doanh nghiệp trong vai trò kiểm toán nội bộ hoặc kiểm soát viên, sẽ có một sự thay đổi đáng kể. Người làm kiểm toán nội bộ thường thực hiện nhiệm vụ theo hướng dẫn và mong muốn của người đứng đầu tổ chức bằng cách đi sâu vào từng khía cạnh của hoạt động kinh doanh. Đồng thời, họ cũng có thể đề xuất các giải pháp để tăng hiệu suất công việc và tối đa hóa quy trình.
- Kế toán tổng hợp hoặc Kế toán trưởng
Hướng đi này phù hợp từ cấp trưởng nhóm trở lên, khi bạn đã có kiến thức chuyên môn chắc kèm theo khả năng lãnh đạo đội nhóm và giao tiếp với khách hàng. Tất nhiên, càng ở cấp bậc cao như Chủ nhiệm kiểm toán thì cơ hội trở thành kế toán trưởng các công ty, tập đoàn lớn càng gần, còn nếu bạn mới là trưởng nhóm kiểm toán năm đầu nhưng yêu thích nghề kế toán thì cũng có thể thử sức ở vị trí kế toán tổng hợp hoặc kế toán trưởng các công ty nhỏ và vừa, sau đó khi có nền tảng vững chắc hơn thì tự tin apply vào các công ty lớn.
Ưu điểm của kiểm toán viên khi rẽ sang kế toán đó là khả năng phân tích, tổng hợp vấn đề. Nhưng như đã đề cập ở bài viết “Kế toán & Kiểm toán – Câu chuyện của Người làm xuôi và Kẻ xem ngược”, đây cũng có thể là nhược điểm của kiểm toán viên do dễ cảm thấy chán khi phải ngồi xem chi tiết từng bộ chứng từ, hạch toán từng bút toán hay tìm những lỗi lệch 1 đồng bé tẹo. Thậm chí cảm thấy không thoải mái khi phải ngồi yên một chỗ suốt cả ngày, đặc biệt là với những người đã quen với công việc di chuyển nhiều.
- Tư vấn
Rời kiểm toán, mình nhận được offer vào bộ phận tư vấn của một công ty Big 4. Môi trường chuyên nghiệp, tính chất công việc theo mình cảm nhận không “trâu bò” như kiểm toán mà có phần “sang chảnh” hơn do các job tư vấn thường được thuê bởi các công ty, tập đoàn lớn chứ không phải dịch vụ phổ thông như kiểm toán nên mức phí sẽ cao hơn.
Nhưng vì sao mình rời đi sau một thời gian ngắn? Bởi với một đứa nhiều số 7 như mình, các kiến thức tư vấn đôi khi là những lý thuyết sách vở và bản thân chưa được trải nghiệm qua hoặc có cơ hội tiếp xúc nhiều, nên không tự thuyết phục được chính mình thì sao truyền đạt được cho khách hàng. Hơn nữa, kết quả tư vấn không dễ đong đếm nếu khách hàng không tiếp tục trả phí dịch vụ để nhóm hỗ trợ trong quá trình triển khai cũng như nghiệm thu, đánh giá cuối cùng. Và cũng vì là tư vấn, khách hàng có quyền thực hiện hoặc không.
Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp của cá nhân mình. Trên thế giới, ngành tư vấn vẫn là một ngành tiềm năng và các chuyên gia hàng đầu luôn được săn đón. Bạn có thể cân nhắc chuyển ngang từ kiểm toán sang ngách này và thử sức xem có hợp không nhé.
- Thầy cô giáo/ Người đào tạo
Không cần rời ngành, nhiều anh/chị đồng nghiệp trong công ty mình, nhất là các anh chị từ cấp Chủ nhiệm kiểm toán trở lên đều làm song song công việc kiểm toán và đi dạy các chứng chỉ nghề nghiệp ở các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp. Ưu điểm của việc này là mang chính thực tế công việc hàng ngày ra chia sẻ với học viên nên rất bánh cuốn, như trường hợp của thầy Long Phan và cô Cẩm Chi đã truyền lửa cho một đứa ngoài ngành như mình quyết tâm theo đuổi nghề kiểm toán.
Không chỉ dạy chứng chỉ nghề nghiệp, hiện nay có nhiều trung tâm mở ra để ôn luyện cho các bạn sinh viên mới ra trường thi vào vị trí trợ lý kiểm toán ở Big 4 hay các công ty kiểm toán lớn khác. Rất nhiều anh/chị kiểm toán viên lâu năm hoặc các bạn HR từ các công ty này cũng tham gia giảng dạy ở các trung tâm.
- Thành lập công ty riêng
Nhiều anh/chị kiểm toán viên lâu năm trong nghề đã đi theo bước này, khi sau một thời gian đi làm thuê thấy bản thân đã đủ trưởng thành để đứng một mình.
Thành lập một công ty không khó bởi chỉ cần đáp ứng một số quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để trở thành một công ty có uy tín trên thị trường, xây dựng môi trường làm việc tốt cho nhân viên cũng như tồn tại và phát triển thì không phải ai cũng làm được. Đó là lý do nhiều công ty mọc lên rồi cũng có nhiều công ty khác đóng cửa. Nhưng dù ở vế nào, mình tin nếu bạn đã đi đến bước này, chắc chắn bạn sẽ học được rất nhiều bài học giá trị.
- Đi để trở về?
Kiểm toán khi rời ngành rồi có comeback được không? Đây là một câu hỏi mình cũng từng nhiều lần tự hỏi bản thân cách đây 5-6 năm, sau khi bước ra khỏi ngành để thử các hướng khác nhưng vẫn luôn tin kiểm toán là dream job không thể thay đổi. Mình cũng đã đi phỏng vấn ở một số nơi để tìm đường về, cũng nhận offer ở một công ty mà có chị partner đam mê du lịch. Nhớ buổi phỏng vấn hôm đó, chị chẳng hỏi kiến thức gì chuyên môn, 2 chị em ngồi buôn chuyện hết 1 tiếng, mình say sưa nghe chị kể về chuyến đi châu Âu 1 tháng của cả gia đình với 2 em bé nhỏ dưới 5 tuổi siêu cuốn hút. Nhưng cuối cùng, mình từ chối, và khi đó, mình nghĩ cánh cửa trở về với nghề đã thực sự đóng lại, khi mình cho nó đóng. Bây giờ, dù không làm kiểm toán độc lập nhưng công việc kiểm soát nội bộ cũng cho mình rất nhiều cơ hội được vận dụng các kinh nghiệm vốn có, nên xem như vẫn được sống và làm nghề.
Nếu không muốn làm các công việc mình liệt kê ở trên, bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn. Một người bạn của mình trở thành phóng viên thể thao, cô bạn khác thì trở thành dancer hay với chính mình, mong muốn được đi khắp nơi và viết. Không ai có thể quyết định thay bạn rằng nên đi hay ở, lúc nào là thời điểm chín muồi hay hãy đợi thêm chút, offer này có thực sự hấp dẫn như bạn tưởng hay không. Nhưng dù quyết định là gì, hãy sẵn sàng tâm thế để thử và nếu sai, vẫn còn rất nhiều cơ hội đang chờ đón bạn phía trước. Một khi bạn nắm vững kiến thức chuyên môn và không ngừng trau dồi kỹ năng mềm, bạn luôn được đón nhận, dù có làm trong ngành kiểm toán hay không.
Cảm ơn bạn đã ghé đọc,
Minh Hiền.