Kế toán & Kiểm toán – Câu chuyện của Người làm xuôi và Kẻ xem ngược

Sự khác nhau cơ bản giữa Kế toán và Kiểm toán

Mỗi khi giới thiệu về công việc kiểm toán của bản thân với các ông bà/cô chú, mình hay nhận được thêm câu hỏi “Cũng giống kế toán hả?”. Cách giải thích mình thường dùng là “Kế toán làm xuôi, còn Kiểm toán làm ngược, tức là kiểm tra lại công việc của Kế toán”.

Đây không chỉ là cách giải thích đơn giản để những người ngoài ngành dễ dàng hình dung về sự khác nhau của 2 nghề nghiệp mà đúng là bản chất của mỗi công việc. Dù trong cùng lĩnh vực “toán”, Kiểm toán và Kế toán là 2 công việc khác nhau và cần tuân thủ những chuẩn mực riêng ở từng quốc gia.

Có bao giờ bạn thắc mắc rằng Kiểm toán có phải là công việc thừa khi đã có không chỉ một mà là một nhóm người (phòng Kế toán) ngày ngày tập hợp từng chứng từ, kiểm tra từng giao dịch và hạch toán từng bút toán trong 365 ngày của năm. Nhóm người này hiểu rất rõ đặc thù tổ chức, nói không quá, họ chính là người “đi guốc trong bụng tổ chức”, vậy còn ai có thể làm báo cáo chuẩn hơn họ cơ chứ?

Thực tế thì ngược lại, càng làm chi tiết càng tự khó phát hiện lỗi sai, chẳng nói đâu xa, bạn cứ thử viết 1 bài văn dài và đưa người khác đọc xem, chắc chắn sẽ tìm được ít nhất vài lỗi chính tả. Mặt khác, ngoài các lỗi sai khách quan mà người làm không tự phát hiện được, việc kiểm toán còn giúp các đối tượng có lợi ích liên quan tới tổ chức đó như cổ đông, chủ đầu tư,… có cơ sở để tin tưởng vào kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của tổ chức, tránh các sai sót, gian lận chủ quan.

Vậy Kiểm toán – Kế toán khác nhau như thế nào?

Có nhiều cách phân biệt Kiểm toán và Kế toán, nhưng từ kinh nghiệm cá nhân, mình nhận thấy có những điểm khác nhau cơ bản dưới đây:

  1. Đặc trưng chính

Điểm nổi bật của kế toán là chi tiết, của kiểm toán là khả năng bao quát. Đây vừa là ưu điểm cũng là hạn chế của mỗi nghề nghiệp.

Kế toán cần sự chi tiết thì không phải bàn cãi rồi, nhưng cũng chính bởi sự tỉ mỉ này tiêu tốn rất nhiều thời gian. Đồng thời, để đảm bảo sự minh bạch giữa các phần hành (ví dụ thủ quỹ không được làm kế toán tiền mặt), mỗi nhân viên kế toán thường chỉ được phân công làm 1 phần nhỏ trong bộ máy chung nên khó nhìn được tổng thể. Chỉ có kế toán tổng hợp hoặc kế toán trưởng – những người được trải qua hầu hết các phần hành và thường xuyên làm báo cáo mới có thể xâu chuỗi được con số và phát hiện ra vấn đề.

Ngược lại, kiểm toán sẽ cần kỹ năng bao quát vấn đề, nhất là từ bậc trưởng nhóm trở lên. Ngay từ khâu lập kế hoạch, kiểm toán viên đã phải nghiên cứu tài liệu khách hàng cung cấp và tìm ra các điểm trọng yếu cần quan tâm, sau đó trong quá trình làm liên tục kiểm tra chéo công việc của các thành viên để đảm bảo không bỏ sót phần hành nào và liên kết được các số liệu. Tuy nắm rõ các chuẩn mực và nguyên tắc, Kiểm toán viên có thể không biết cách sử dụng phần mềm kế toán, nộp tờ khai, nộp thuế, kê khai bảo hiểm,… – những công việc thường ngày của kế toán viên.

Khi kiểm toán và kế toán đổi công việc cho nhau, kiểm toán viên nếu không đủ sự kiên nhẫn sẽ không làm được việc, còn kế toán không trau dồi óc quan sát, phân tích vấn đề thì sớm bị đào thải.

  1. Thời gian làm việc

Đầu tiên là thời gian làm việc tại tổ chức. Nếu Kế toán có cả năm để thực ghi chép sổ sách/ lưu trữ chứng từ, thì kiểm toán thường chỉ có 2 tuần (kiểm toán giữa kỳ và kiểm toán cuối kỳ) để kiểm tra và ra báo cáo. Nhìn lịch này thì bạn cũng hiểu vì sao công việc kiểm toán có nhiều áp lực rồi đó.

Tiếp theo là thời gian làm việc của cá nhân. Kế toán thường là công việc văn phòng thuần túy, 8h sáng chấm công và 5h chiều tan làm, chủ yếu quản lý theo thời gian làm việc. Trong khi đó, Kiểm toán lại quản lý theo hiệu quả công việc, nhất là trong mùa bận, không quan trọng bạn đến hay rời công ty lúc nào, miễn là trả đúng deadline. Thế nên, nhiều Công ty kiểm toán có bố trí cả phòng để nhân viên ngủ lại, vì chuyện overnight để trả file và báo cáo là bình thường.

Nếu nói mùa bận, không phải mỗi kiểm toán mới có. Kế toán cũng có áp lực khi tới kỳ chốt báo cáo cuối tháng/quý/năm, nhưng nhìn chung thì vẫn có thể về nhà và nó chỉ kéo dài vài ngày là kết thúc chứ không vài tháng như kiểm toán mỗi khi vào mùa.

  1. Kiến thức và kỹ năng

Như đề cập ở phần trước, trong khi kế toán cả năm chỉ làm 1 tổ chức thì trong cùng thời gian đó, kiểm toán viên có thể hoàn thành tối thiểu 26 job (52 tuần/năm, 2 tuần/job) và mỗi tổ chức được kiểm toán là một “vũ trụ” thông tin khác nhau, từ doanh nghiệp sản xuất, công ty thương mại dịch vụ, Khách sạn Nhà hàng,… cho đến các dự án, tổ chức phi chính phủ,…

Bên cạnh áp lực về thời gian, với khối lượng công việc như vậy, dễ dàng thấy lượng kiến thức và kỹ năng mà một kiểm toán viên tích lũy được qua mỗi mùa rất nhiều. Không chỉ hiểu sâu về chuyên ngành kế-kiểm, kiểm toán viên còn có kiến thức thực tế đa dạng trong nhiều lĩnh vực, đồng thời các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian đều tăng vùn vụt.

  1. Mức trọng yếu

Cái này là vui nhất này. Với kế toán, 1 đồng cũng là trọng yếu, thà lệch to tìm còn đỡ mệt chứ 1 đồng thì căng mắt ra không biết chui đi đâu.

Kiểm toán thì sướng hơn, có 1 định nghĩa gọi là “mức trọng yếu” . Nếu phần chênh lệch còn lại sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán mà dưới mức trọng yếu của phần hành đó, thì kiểm toán viên đều có thể nhẹ nhàng ghi “Immaterial >> Pass” (không trọng yếu >> bỏ qua), dù con số lệch đôi khi là hàng chục triệu.

Tuy nhiên, kiểm toán hay gặp trường hợp “lệch 1 đồng” khi lên báo cáo, do bước làm tròn số liệu. Và giải pháp hiệu quả nhất là “cook”, tìm một chỗ để cộng thêm/trừ ra, nhưng chỗ đó là chỗ nào thì cũng cần cả một nghệ thuật mà “cook-er” là một nghệ sĩ =))

  1. Bàn giao

Chắc không mấy ai nghĩ đến điểm khác nhau này =)) Nhưng từ những điểm khác nhau đã phân tích phía trên thì dễ thấy ai bàn giao khi nghỉ việc nhàn hơn rồi.

Thông thường, kế toán, nhất là kế toán trưởng, khi nghỉ việc phải bàn giao tất cả hồ sơ chứng từ, danh sách công nợ, danh sách tài sản, chìa khóa két,… hằm bà lằng hàng tỉ thứ mà chắc phải mất vài ngày mới xong. Kiểm toán thì ngược lại, chỉ cần bàn giao hết các công việc đang dang dở (báo cáo, file, contact khách hàng,…) và laptop là có thể yên tâm ra về.

Tóm lại, mỗi một ngành nghề đều có đặc điểm riêng. Ngay từ khi nộp hồ sơ thi đại học hay rải “truyền đơn xin việc”, bạn càng nắm rõ các đặc điểm này thì lựa chọn ban đầu càng sát với thế mạnh và mong muốn của bản thân. Và yên tâm, chỉ cần có niềm đam mê, yêu thích đối với công việc thì làm nghề gì cũng sẽ thành công.

Cảm ơn bạn đã ghé đọc,

Minh Hiền.

3 thoughts on “Kế toán & Kiểm toán – Câu chuyện của Người làm xuôi và Kẻ xem ngược”

  1. Ngoài ra thì Kiểm toán viên còn được đi rất nhiêud nơi nữa, chứ Kế toán viên thì chỉ có ở 1 chỗ thui ☹️☹️☹️

    1. Đúng rồi Lê ơi, những điều thú vị ở mỗi nghề sẽ được chia sẻ dần dần trong các post tiếp theo, Lê cùng chờ đọc nhé ^^

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *