Chào bạn, hôm nay mình hơi “cá đuối”. Dù là giải quyết được kha khá việc nhưng đến cuối ngày, khi nghe tin một người bạn sắp nghỉ việc và vị trí cũ mình từng làm được thay thế bởi một người mới thì không khỏi chạnh lòng, trên đường đi làm về đầu óc trống rỗng luôn. May về nhà có Dứa bi bô đón từ cửa nên đến giờ, khi ngồi viết những dòng này thì tâm trạng đã bình ổn trở lại. Thật ra, bên cạnh lúc vui, ai cũng sẽ phải trải qua những ngày kém vui hơn chút, như cách nói của người chị “chim lợn chúa” thì là “Cột sống mà, chấp nhận thôi”, và chính thời điểm vượt qua khoảnh khắc đó là lúc mình học cách trưởng thành.
Nhân tiện, mình nảy ra ý tưởng viết về một số thói quen có hại cho sức khỏe của Kiểm toán viên nói riêng và dân văn phòng nói chung. Thay đổi đồng nghiệp, môi trường có thể là một lý do hữu hình ảnh hưởng tới tâm lý, nhưng có những nguyên nhân trực quan hơn mà ai cũng phải thừa nhận và nghiêm túc suy nghĩ bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới thể chất mỗi người. Cùng nhau liệt kê để xem mình kể sót gì không nhé.
- Thói quen ngồi lâu và ít vận động: Một trong những thách thức lớn của công việc kiểm toán là thời gian dài phải ngồi trước máy tính để xem xét tài liệu và chứng từ. Thói quen ngồi lâu có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như đau lưng, thoái hóa đốt sống cổ, và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Điều này không chỉ kiểm toán viên mà rất nhiều nhân viên văn phòng mắc phải. Ngoài ra, kiểm toán viên hay phải mang vác balo nặng với đầy đủ công cụ làm việc từ laptop tới sổ sách, giấy bút, file làm việc,… nên đau mỏi vai gáy thường xuyên xảy ra.
- Áp lực công việc: Áp lực là một phần không thể tránh khỏi trong công việc kiểm toán vì bạn phải đảm bảo tính chính xác và tuân thủ các quy định. Nhưng nếu không quản lý tốt áp lực, nó có thể gây ra căng thẳng và tăng nguy cơ bệnh tâm lý như lo âu và trầm cảm.
- Thói quen ăn uống không lành mạnh: Áp lực công việc và thời gian làm việc kéo dài có thể khiến kiểm toán viên dễ dàng làm bạn với mì tôm, bánh mì hay fastfood. Ngoài việc các thực phẩm này không lành mạnh, có thể gây ra tăng cân, tăng nguy cơ bệnh tim mạch thì tốc độ ăn cũng là điều đáng bàn, khi chỉ có một thời gian ngắn để tranh thủ ăn giữa các ca làm việc liên tiếp hoặc vừa gặm bánh mì vừa trả deadline là bình thường. Một yếu tố nữa là giờ ăn không cố định, ăn đêm, ăn vặt tùm lum,… Nên những tạng người bụng bự rất phổ biến trong giới.
- Thiếu ngủ: Kiểm toán viên thường phải làm việc ngoài giờ để đảm bảo trả đúng deadline cho khách hàng. Trong mùa bận, việc thức khuya dậy sớm làm việc hay ngủ đêm luôn tại văn phòng khá phổ biến, điều này có thể dẫn đến thiếu ngủ và gây ra các vấn đề về sức khỏe như suy giảm tập trung và mệt mỏi, mắt gấu trúc thâm quầng.
- Thói quen làm bạn với các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá, cafe, trà): Một số kiểm toán viên có thể có thói quen sử dụng các thức uống có cồn hoặc cafein hoặc hút thuốc lá để giảm căng thẳng hoặc tìm kiếm cách thư giãn. Tuy nhiên, cả hai thói quen này có thể gây hại nhiều cho sức khỏe, gây ra nhiều bệnh lý và tác động xấu lên hiệu suất làm việc.
- Thiếu thời gian cho bản thân: Kiểm toán viên thường tập trung vào công việc và dành ít thời gian cho bản thân và gia đình, nhất là trong mùa bận, cuối tuần hay trong tuần cũng không quá khác biệt khi công việc vẫn là ưu tiên hàng đầu. Sự thiếu cân đối giữa công việc và cuộc sống cá nhân có thể gây ra căng thẳng trong mối quan hệ gia đình và tác động xấu đến tâm lý.
- Thiếu sự đa dạng trong công việc: Kiểm toán viên có thể dễ bị rơi vào rất nhiều job tương tự hoặc các công việc paper work lặp đi lặp lại, dẫn đến sự đơn điệu và thiếu đa dạng trong công việc. Điều này có thể dẫn đến mất hứng thú, sự mệt mỏi và cảm giác không hài lòng với công việc.
Tất cả những vấn đề này đều không sớm thì muộn ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần của bạn. Tuy nhiên, chúng ta ít nhận ra chúng trong những năm tháng đầu tiên làm nghề bởi chúng ta thường bắt đầu với vị trí kiểm toán từ ngay khi mới ra trường, khi sức khỏe còn dẻo dai, tinh thần hừng hực và chưa có nhiều mối bận tâm trong cuộc sống. Nhưng để tồn tại và phát triển lâu dài với nghề, chúng ta càng sớm nhận ra các mối nguy này để có biện pháp phòng ngừa thì càng tốt.
Một trong những biện pháp quan trọng đầu tiên là quản lý thời gian. Như mình đã từng đề cập trong bài viết “5 kỹ năng ai cũng cần có trong nghề kiểm toán”, kỹ năng quản lý thời gian chính là một trong số đó. Không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công việc, quản lý thời gian tốt cũng giúp “work” không nuốt mất “life”, nhất là trong mùa bận. Bạn vẫn có thể khéo léo sắp xếp vài cuộc gặp gỡ bạn bè, về ăn cơm cùng gia đình hay dành “me time” để tái tạo năng lượng.
Tiếp theo, hãy kiểm tra sức khỏe định kỳ. Phần lớn các công ty đều có chế độ khám sức khỏe hàng năm cho nhân viên chính thức, việc này đặc biệt quan trọng để theo dõi các chỉ số sức khỏe như huyết áp, đường huyết và cholesterol. Hãy nhớ đọc kỹ các chỉ số trong Giấy khám sức khỏe của bạn để đảm bảo các bộ máy đang hoạt động tốt.
Tranh thủ vận động đôi lần 5 phút mỗi ngày, uống đủ nước và ăn đúng giờ, nếu mang cơm đi ăn hàng ngày được thì càng tốt. Đây là những việc tưởng chừng rất đơn giản nhưng nếu thực hiện đúng-đủ-đều, không chỉ cơ thể mà cả bộ não của bạn cũng cảm ơn bạn rất nhiều.
Cuối cùng, hãy học cách “Enjoy cái momment này” – ý là tận hưởng từng khoảnh khắc. Giống như cách mình để đầu óc trống rỗng chiều nay và cách mình vượt qua nó, giống như cách mình lo lắng không kịp hoàn thành 2 slide họp và rồi đã trả đúng deadline,… Bình tĩnh đón nhận và lặng lẽ quan sát cảm xúc đến và đi.
Hãy trân quý cơ thể mình – bởi trong kiếp sống này, đó chính là người bạn tri kỷ của bạn. Công việc có thể thay đổi nhưng không gì có thể đánh đổi được người bạn này.
Cảm ơn bạn đã ghé đọc,
Minh Hiền.