5 Tư Duy Đúng bạn trẻ cần có trước khi đi làm

Ngày mình hỏi chị Phương Bi “Sau khi rời kiểm toán, em nên làm gì?”. Chị Bi nói mình có thể làm kiểm toán nội bộ. Cuối cùng, sau vài lần nhảy việc, dù không chính xác công việc như chị Bi tiên liệu, mình cũng trở thành Chuyên viên kiểm soát nội bộ của một tập đoàn.

Đây là công việc toàn thời gian lâu nhất mình từng gắn bó, tự thú 1 lần đã nộp đơn xin nghỉ và vài lần nung nấu ý tưởng tương tự trong những đợt sức khỏe suy giảm mà vẫn phải phượt gần 30km/ngày. Mình cũng nhớ như in ngày đầu tiên chân ướt chân ráo vào công ty đã bị shock tưởng nghỉ việc ngay hôm đó vì không được xài internet. Ấy thế mà quay đi quay lại đã 5 năm ở đây và 10 năm đi làm, mình từ người độc thân, rồi lập gia đình và giờ đã là mẹ của em bé 2 tuổi.

Thời gian trôi “lâu hơn cái chớp mắt” một chút thôi, và nếu cứ để nó đi qua với quẩn quanh deadline hàng ngày, mình thấy thật đáng tiếc. Mỗi ngày ai cũng chỉ có 24 giờ, vì sao có người đã thành công và người chưa, mình nghĩ một kỹ năng vô cùng quan trọng là nhìn lại. Nếu đúc kết từ thất bại, bạn sẽ có “mẹ của thành công”, còn suy ngẫm từ những điều tưởng chừng không có gì đặc biệt diễn ra hàng ngày, bạn sẽ thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.

Trong quãng thời gian đi làm, mình học được không ít, từ kiến thức chuyên môn tới các kỹ năng mềm – những điều mình tin ai làm một thời gian cũng sẽ tốt hơn, và mình cũng không dám nhận kỹ năng nào của bản thân giỏi hơn hơn số đông để chia sẻ. Nhưng TƯ DUY ĐÚNG thì không phải ai cũng có. Nếu quay ngược lại thời gian 10 năm trước, khi mới bắt đầu rời giảng đường đại học để đi làm, mình ước có ai rút ruột rút gan mà chỉ cho mình các tư duy này thì có lẽ mình đã không mất nhiều thời gian để thử và đúc kết như thế.

Nên hôm nay, nhân kỷ niệm cột mốc 10 năm lần thứ nhất, mình rất muốn ghi lại 5 TƯ DUY ĐÚNG cần có khi đi làm, như một sự gợi ý cho các bạn trẻ chuẩn bị bước chân vào thị trường lao động và cũng lời tự nhắc nhở bản thân.

  1. Kỹ năng viết rất quan trọng

Trong một cộng đồng mình tham gia gần đây, một thành viên chia sẻ anh đang sống ở Pháp và đã dành được công việc mơ ước nhờ viết. Anh được người quản lý công ty đánh giá cao ở kỹ năng viết chỉn chu dù là người nước ngoài nói tiếng Pháp, trong khi nhiều ứng viên người bản xứ lại không tập trung khía cạnh này.

Mình thích viết. Trong công việc, mình hay viết báo cáo bởi thích biến sự phức tạp của vấn đề và các con số thành những điều đơn giản và dễ hiểu. Thật vậy, cùng một tình huống, chỉ cần thay đổi cách diễn đạt và nhấn nhá một chút là mình đã có thể chuyển đổi ý kiến từ phản đối sang ủng hộ. Mình tin viết thực sự có sức mạnh to lớn trong việc truyền tải và “thao túng tâm lý” người đọc, và nếu được sử dụng đúng thì ngòi bút hoàn toàn có thể thay đổi thế giới theo hướng tích cực. Như cô Phi Vân có chia sẻ trong một podcast “Viết là một kỹ năng hàng đầu của thế kỷ 21” cũng không phải nói quá.

  1. Không có công ty nào hoàn hảo

Giống như con người, mỗi Công ty đều có điều này hợp ý bạn hoặc điều khác chưa vừa lòng, nên nếu cứ mãi đi tìm một công việc hoàn hảo tất cả mọi mặt thì không dễ. Đây chính là điều mình rút ra sau một năm nhảy việc 4 lần, có lúc vào được công ty hạng A thì công việc và đồng nghiệp khiến bản thân mông lung, lúc tìm được công ty có chế độ đãi ngộ siêu tốt thì không hợp sếp.

Kể thật, vài công việc parttime mình làm thời sinh viên hay khi mới ra trường đều kết thúc bằng một màn combat với sếp. Lúc đó trẻ trâu, mình nghĩ bản thân oai lắm, cảm giác chiến thắng tức thời thật đã. Nhưng sau đó mình hiểu khi “cảm xúc đi lên thì trí tuệ đi xuống”, mình chẳng được gì từ những tranh luận này ngoại trừ cảm giác tức tối. Nên là, nếu không hài lòng, bạn hoàn toàn có thể ra đi trong êm đẹp thay vì gây một cuộc chiến.

  1. Luôn mỉm cười và chào hỏi mọi người

“Lúc nào cũng thấy em/chị cười” – đây là câu nói mình đã được nghe nhiều lần từ khi đi làm. Không phải lúc nào mình cũng vui vẻ, nhưng khi gặp đồng nghiệp, mình luôn cố gắng duy trì thái độ tích cực nhất bởi ai cũng đã có đủ áp lực rồi, đâu cần cho thêm “đá tảng vào balo” của người khác.

Bên cạnh nụ cười, mình cũng hay tranh thủ lúc đi thang máy, gặp nhau trong pantry lấy nước để trò chuyện dăm câu, có thể chẳng liên quan đến công việc hay cuộc sống, đôi khi là câu nói vu vơ về thời tiết hay lời khen chiếc váy ai đó mặc đẹp,… Nụ cười và những câu chuyện giúp chốn công sở như một ngôi làng vui vẻ hơn là nơi của những người lạ vô tình lướt qua nhau hàng ngày.

  1. Cẩn trọng, làm hết mình cho mỗi công việc được giao

Việc làm hết mình và cẩn trọng trong mỗi công việc là một tư duy quan trọng. Điều này thể hiện sự tôn trọng công việc của chính mình và người khác. Vài năm gần đây, sau các bài học “mất tiền”, mình cố gắng thật cẩn thận trong ngôn từ đến từ dấu chấm phẩy, bởi một câu viết ra có thể mang theo nhiều ý hiểu nếu không kiểm tra kỹ.

Bên canh đó, mỗi công việc khó được giao là một lần mình đón nhận như một thử thách để vận dụng khả năng sáng tạo, óc phán đoán và suy nghĩ của bản thân. Sếp giao 1 thì cố gắng tối thiểu làm được 1,1 và hoàn thành đúng deadline quy định.

Thỉnh thoảng, mình lại được nghe các anh chị than phiền rằng một số Gen Z bây giờ làm việc nhanh nhưng hơi ẩu. Khi đó, thay vì trách nhân sự, mình sẽ cố gắng xem lại vai trò leader của bản thân đã đưa ra hướng dẫn đúng và chi tiết chưa, hay hiểu thế mạnh của nhân sự để phân công đúng công việc chưa.

5. Sắp xếp thời gian hợp lý và hãy học hỏi nhiều nhất có thể

“Tôi bận lắm, không có thời gian để làm XYZ đâu.” – đây là câu nói cửa miệng của nhiều người để từ chối làm việc gì đó, có thể liên quan tới công việc hoặc các việc liên quan tới phát triển chính bản thân họ. Nhưng vẫn là câu nói “Muốn thì tìm cách, không muốn thì tìm lý do”, bạn luôn có đủ thời gian để làm những điều bạn thực sự muốn. Khoe với bạn, mình đã gần hoàn thành cuốn sách thứ 4 trong 2 tháng qua, chỉ với 10 phút và 20 trang sách tranh thủ vào giờ nghỉ trưa mỗi ngày. Mình cũng duy trì các bài viết đều đặn trên blog và FB, bên cạnh công việc fulltime ở công ty và làm mẹ em bé.

Viết, đọc,… là cách để mình phát triển bản thân, có thể không liên quan tới các kiến thức chuyên môn nhưng khi não bộ được kích hoạt và nạp kiến thức mỗi ngày, tốc độ lão hóa của nó sẽ chậm lại đồng nghĩa với tốc độ xử lý công việc sẽ tăng lên. Nên là, hãy cố gắng học hỏi nhiều nhất có thể, từ bất kỳ nguồn nào.

Ngoài 5 Tư duy đã nêu phía trên, mình muốn nhắc một câu hỏi khá truyền thống nhưng khiến rất nhiều người phải suy ngẫm “Đi làm vì tiền hay đam mê?”.

Tiền bạc không phải là quan trọng nhất, có lẽ chúng ta đều đồng ý với nhau điều này. Nhưng tiền bạc có khả năng tạo động lực và là phương tiện giúp bạn đạt được một cuộc sống mơ ước. Vì vậy, trăn trở về thu nhập khi đi làm là chuyện phổ biến. Tuy nhiên, liệu có nên chấp nhận 1 công việc không giúp gì cho sự phát triển bản thân hoặc mang lại các mối quan hệ độc lại chỉ vì đồng lương? Câu trả lời xin dành cho mỗi người tự chiêm nghiệm.

Để kết thúc bài chia sẻ đã quá dài này, mình muốn gửi một thông điệp tới những ai đã dành thời gian đọc đến đây.

Đừng tin ngay 5 tư duy này, nó có thể đúng với nhân sinh quan và trải nghiệm của mình, nhưng với bạn thì có thể chưa phải lúc. Hãy thử và tự đúc kết, trân quý mỗi công việc, từng mối quan hệ bởi đó chính là những bài học vũ trụ muốn bạn hoàn thành. Bên cạnh đó, liên tục học hỏi, sáng tạo, khiêm tốn và nghĩ cách tăng giá trị của chính bạn bằng việc tạo ra giá trị cho công ty và đồng nghiệp. Đó chính là đích đến của người đi làm chân chính. Một khi bạn mang lại giá trị cho người khác, bạn sẽ được yêu mến và đạt được điều mình muốn.

Cảm ơn bạn đã ghé đọc,

Minh Hiền.

2 thoughts on “5 Tư Duy Đúng bạn trẻ cần có trước khi đi làm”

  1. Tèn ten! Mình đã đọc hết một bài viết rất dài. Cảm giác như đang được nghe một câu chuyện hay vậy 💐

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *