Phân loại Khách hàng của Công ty kiểm toán

Chào bạn, bài hôm nay hơi chuyên môn một chút, nhưng theo mình, những kiến thức được cung cấp thực sự quan trọng khi bạn bước chân vào 1 công ty kiểm toán và đứng trước ngã rẽ chọn phòng, bởi mỗi phòng sẽ phụ trách một mảng khách hàng kiểm toán riêng biệt. Quyết định của bạn lúc này có thể ảnh hưởng tới hướng phát triển tiếp theo của bạn sau khi rời ngành, nên hãy dành vài phút để đọc bài viết nhé.

Theo quy định của pháp luật, Khách hàng của công ty kiểm toán là ai?

Để thực hiện dịch vụ kiểm toán cũng như các dịch vụ khác có liên quan như kế toán, thuế, tư vấn, tài chính, tin học,… các tổ chức kiểm toán độc lập có quan hệ với khách hàng tự nguyện hoặc bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Khách thể bắt buộc: là các tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật bắt buộc phải thuê công ty kiểm toán độc lập tiến hành kiểm toán.

Tại Việt Nam, theo Luật Kiểm toán độc lập thì các doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật quy định báo cáo tài chính hàng năm phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm:

  • Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
  • Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
  • Tổ chức tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
  • Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
  • Các doanh nghiệp, tổ chức khác bắt buộc phải kiểm toán theo quy định của pháp luật có liên quan.

Hồi mình nộp hồ sơ vào vị trí trợ lý kiểm toán cách đây 10 năm, mình không biết tới các kiến thức này nên nộp ở tất cả các công ty đăng tuyển. Cuối cùng, Công ty mình từng làm có đối tượng khách hàng thuộc nhóm 2 – khách thể tự nguyện hoặc nhóm 1 – khách thể bắt buộc nhưng không yêu cầu điều kiện. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tham gia kiểm toán các đơn vị thuộc nhóm khách thể bắt buộc, bạn rất cần quan tâm công ty kiểm toán nào được cung cấp dịch vụ này, từ đó phân loại các công ty để “rải truyền đơn” cho đúng. Dưới đây, mình sẽ liệt kê một số khách hàng thường xuyên ở các công ty kiểm toán và một số đặc điểm của mỗi nhóm:

Các khách hàng mình thường xuyên thực hiện kiểm toán trước đây bao gồm:

  1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI):

Các doanh nghiệp FDI thường nằm tại các khu công nghiệp và thường là các công ty lớn, mô hình sản xuất đa dạng. Tham gia kiểm toán các doanh nghiệp này, bạn chắc chắn sẽ học được rất nhiều điều thú vị về cách thức vận hành của một công ty và phong cách làm việc của quốc gia đầu tư. Ví dụ doanh nghiệp FDI có vốn từ Nhật Bản thì hệ thống quy trình, quy định rất rõ ràng, cụ thể và cảnh quan nhà máy, khu vực làm việc gọn gàng, sạch sẽ.

  1. Dự án/ tổ chức phi chính phủ:

Đây là nhóm khách hàng cho mình cơ hội đi du lịch nhiều nhất, bởi các dự án thường diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước hoặc ở nước ngoài như các dự án của các tổ chức phi chính phủ xuyên biên giới hoặc World Bank. Khác với các yêu cầu khắt khe khi kiểm toán công ty, kiểm toán dự án/tổ chức phi chính phủ thường “nhẹ nhàng” hơn, form báo cáo được thay đổi linh hoạt theo yêu cầu của khách hàng và thư quản lý là một phần không thể thiếu. Khi hiểu sâu về cách thức tổ chức, vận hành của dự án cũng như tổ chức, bạn hoàn toàn có thể apply vào các vị trí kế toán hoặc kiểm soát tài chính của các tổ chức phi chính phủ này.

  1. Các công ty/ tổ chức tự nguyện khác:

Nhóm này thường bao gồm các công ty có quy mô vừa và nhỏ, thực hiện kiểm toán theo những mục đích riêng như gọi vốn, hợp nhất báo cáo với công ty mẹ, theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Tiếp theo là một số đặc điểm về các nhóm khách hàng bắt buộc dưới góc nhìn của mình:

  1. Ngân hàng:

Ngân hàng là loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, rất nhiều văn bản điều chỉnh về phạm vi giới hạn an toàn các kiểu trong hoạt động, hệ thống chế độ kế toán khác biệt với hệ thống kế toán của doanh nghiệp. Một điều khác biệt là báo cáo kiểm toán của ngân hàng không được phép đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ bởi ngân hàng hạch toán tự động nên các lỗi sai thường không phải là lỗi sai kế toán đơn thuần như doanh nghiệp mà sẽ là vấn đề lớn, do đó ngoại trừ đồng nghĩa với không tuân thủ. Đồng thời, ngân hàng giao dịch bằng hệ thống, nhiều giao dịch nhỏ thường xuyên phát sinh hàng ngày nên phương pháp kiểm toán dựa trên hệ thống thay vì phương pháp “bản chất hơn hình thức” như ở doanh nghiệp thông thường. Khi tham gia kiểm toán ngân hàng, bạn cũng sẽ kiểm toán tất cả các chi nhánh của ngân hàng nữa, và vì tính chất khác biệt nên không phải kiểm toán viên nào cũng có thể tham gia vào team này.

  1. Đơn vị có lợi ích công chúng:

Công ty kiểm toán khi muốn thực hiện dịch vụ kiểm toán cho công ty đại chúng sẽ cần đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định Nhà nước như có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán được Bộ Tài chính cấp còn hiệu lực; vốn điều lệ từ 6 tỷ đồng trở lên; có số lượng kiểm toán viên hành nghề từ 10 người trở lên, trong đó có Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, có đủ các tiêu chuẩn quy định;… Khi trong nhóm kiểm toán các đơn vị này, ngoài báo cáo tài chính cuối năm, bạn sẽ thường phải thực hiện báo cáo kiểm toán bán niên hoặc theo quý, nên gần như quanh năm đều bận.

VinGroup là một công ty đại chúng lớn tại Việt Nam, hoạt động đa ngành nghề. Để đáp ứng các yêu cầu về công bố thông tin của VinGroup, đơn vị kiểm toán nhiều năm cho Tập đoàn là E&Y có hẳn một bộ phận riêng để kiểm toán từ văn phòng Tập đoàn đến các công ty con và chi nhánh ở các tỉnh. Và rất rất nhiều kiểm toán viên sau khi rời E&Y đều chọn bến đỗ kế tiếp là Vin Group, dân trong ngành chúng mình hay nói vui “E&Y là cái nôi đào tạo nhân viên cho Vin”.

  1. Kiểm toán xây dựng cơ bản:

Đây còn được gọi với các thuật ngữ như Kiểm toán quyết toán dự án, Kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành, thường được Công ty kiểm toán cung cấp dịch vụ cho các chủ đầu tư, công ty xây dựng và ban quản lý dự án. Một khác biệt rất lớn là các kiểm toán viên tham gia nhóm kiểm toán này không tốt nghiệp các trường Đại học kinh tế thông thường mà có background từ các chuyên ngành xây dựng, thiết kế, kiến trúc,… và thường ưu tiên nam giới, bởi thường phải di chuyển nhiều và lăn lộn ở các dự án.

Trong quá trình viết, mình đã google nhiều lần nhưng không có bài viết nào đề cập tới nội dung tương tự. Với bản thân mình, phải một thời gian làm nghề mình mới nhận ra được những điều này, nên mình tin chắc chắn sẽ có người cần đến. Tuy nhiên, do bài viết được viết dựa trên hiểu biết cá nhân nên mình rất mong sẽ nhận được nhiều góp ý, bổ sung của các ACE trong ngành để các thông tin đưa tới bạn đọc được đầy đủ, rõ ràng và chính xác nhất.

Cám ơn bạn đã ghé đọc,

Minh Hiền.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *