Tốt nghiệp với tấm bằng Tài chính doanh nghiệp, mình loay hoay không biết xin việc gì bởi nghề duy nhất thầy cô chỉ ra cho mình trên giảng đường đại học là Giám đốc tài chính, trong khi các công ty thường không tuyển chuyên viên tài chính mới ra trường chưa có kinh nghiệm chứ huống chi Giám đốc. So với các chuyên ngành cụ thể như kế toán, kiểm toán, ngân hàng,… ngành học của mình làm gì cũng được mà lại chẳng làm được gì bởi khá chung chung. Cuối cùng, mình vào chỗ người quen làm kế toán.
Công ty người quen lúc đó đã đủ nhân sự phòng kế toán, nhưng có một chị chuẩn bị nghỉ sinh nên mình được nhận. Bắt đầu với các nhiệm vụ đơn giản như sắp xếp chứng từ, kế toán thanh toán, hành chính, chuẩn bị hồ sơ thầu,… , chỉ một hai tuần mình đã quen việc. Khối lượng được phân công ít và lặp đi lặp lại nên mình khá nhàn, có những ngày chỉ dám hoàn thành chút chút để để phần việc mai có cái làm.
Trong cái chán thì ló cái may, vì rảnh quá nên buổi tối mình đăng ký học khóa PA – Professional Auditor của thầy Long Phan và cô Cẩm Chi (khóa học này giờ không còn tổ chức). Ban đầu chỉ định học cho biết, nhưng không ngờ kiến thức chuyên môn và những câu chuyện nghề thầy cô chia sẻ chân thực và “bánh cuốn” quá mà không rõ tự lúc nào, mong muốn được trở thành đồng nghiệp của thầy cô nhen nhóm. Vậy là mình bắt đầu hành trình “rải truyền đơn”.
Mình đã nộp hồ sơ xin việc tới tất cả các công ty đăng tin tuyển trợ lý kiểm toán khi ấy, từ các công ty thuần Việt Nam tới các công ty tham gia mạng lưới quốc tế hay Big 4. Mình không nhớ chính xác đã nộp bao nhiêu bộ, chỉ nhớ trong máy tính lúc nào cũng có một folder lưu sẵn các bản mềm để chỉ cần thay tên công ty và nộp, cũng như hàng tá giấy tờ viết tay bản cứng. Mình vẫn nhớ công ty A&C yêu cầu ứng viên trải qua 2 ngày thi với 3-4 môn, đề dài 180 phút/môn y như thi đại học. Có công ty gửi hồ sơ đi mà chẳng nhận được hồi âm, có nơi phỏng vấn qua được vòng 1 thì trượt vòng 2… Trong những ngày tháng hồi hộp chờ kết quả công ty A thì lại nộp hồ sơ công ty B hay đi test công ty C, cứ như thế kéo dài 2-3 tháng, có rất nhiều lúc mình nản và thầm nghĩ “Khéo nghề kiểm toán không chọn mình. Hay cả đời cứ làm kế toán cũng được”.
Một chiều thứ 6, mình nhận cuộc điện thoại hẹn chiều thứ 2 tuần sau phỏng vấn. Tối đó, như đã lên lịch, mình cùng nhóm bạn đi phượt Mù Cang Chải mãi tới 12h đêm chủ nhật mới về tới nhà, vật ra ngủ luôn tới 7h sáng lết đi làm rồi xin nghỉ chiều đi phỏng vấn. Bình thường, khi có thời gian, mình sẽ tìm hiểu vài thông tin về công ty cũng như ôn lại kiến thức, nhưng lần đó không đủ sức làm gì hết nên trước khi đi phỏng vấn, mình thắp 1 nén hương xin các cụ phù hộ gặp may mắn. Hôm đó, tiếp mình là anh Hà và anh Mạnh. Dù đã chuẩn bị 1 bài giới thiệu bằng tiếng Anh nhưng khi anh hỏi “Tiếng Anh có khá không?”, mình thành thật “Em bình thường”, thế là anh cho nói tiếng Việt từ đầu đến cuối, không “make color” gì hết, có gì trả lời đó. Bước ra cửa về, mình không hài lòng với cuộc phỏng vấn bởi tự bản thân thấy không có gì nổi bật để được chọn, mình về kể với mẹ “Chắc con lại tạch rồi”.
Cả tuần tiếp theo chẳng có cuộc hẹn phỏng vấn nào. Khi sự chán nản ngày càng hiện rõ, bỗng nhiên cũng vào một chiều thứ 6, khi đang đi ngân hàng, mình nhận được điện thoại của chị HR công ty bữa trước “Em trúng rồi nhé, ngày … đi ký offer”. Mình sợ nghe nhầm, phải hỏi đi hỏi lại rồi còn dặn chị nhớ email cho em. Cúp máy xong, mình quay sang nói với chị đồng nghiệp mà giọng run run “Chị ơi, em đỗ rồi”, rồi gọi về cho bố mẹ khoe luôn. Cảm giác lúc ấy giống như trồng cây bao năm cũng chờ được đến ngày hái quả. Đến giờ, chắc đó vẫn là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc và đáng nhớ trong cuộc đời mình. Cuối cùng, mình cũng được làm kiểm toán.
Để đi từ khóa học PA đến ngày ký offer trở thành Trợ lý kiểm tooán, mình chỉ nghĩ đơn giản bản thân thực sự muốn làm và tự tìm cách đạt được. Bây giờ, khi đã trải nghiệm và đọc nhiều hơn, mình hiểu cô bé 23 tuổi ngày ý đã áp dụng thành công Luật hấp dẫn để chinh phục Dream Job. Trong cuốn sách nổi tiếng “Nhà giả kim”, Paulo Coelho đã viết “Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được”. Việc trở thành kiểm toán chính là như vậy, là khao khát của mình xuất hiện trước, và vũ trụ dẫn đường để mình bước đi. Rồi khi khao khát đủ lớn, đứng trước mỗi lần nản chí muốn từ bỏ, vũ trụ lại đưa đến “cuộc hẹn phỏng vấn tiếp theo”, cứ như thế cho đến khi mình tới đích.
Mình vẫn rất rất hâm mộ cô bé năm 2014 ấy, và thật biết ơn khao khát đó đã đưa mình đến ngày hôm nay, dù không còn làm kiểm toán nhưng vẫn được làm công việc bản thân yêu thích thay vì trở thành một cô kế toán ủ rũ ngày ngày ôm đống chứng từ. Cũng từ trải nghiệm này, mình tự đúc kết thành một công thức để bản thân và bất kỳ ai khi muốn chinh phục một mục tiêu nào đó đều có thể áp dụng:
- Xác định mục tiêu cụ thể: Đầu tiên chính bạn phải biết bạn muốn gì, “không cụ thể” thì “cụ không thể”. Như với người khác, 1 công việc ổn định là hài lòng, nhưng với mình, đi làm thì phải được làm việc và nếu một công việc không còn khiến mình tốt lên mỗi ngày thì là lúc mình phải ra đi. Với cô bé 23 tuổi ngày ấy, mình xác định rõ công việc kế toán ở công ty người quen chỉ là tạm thời và kiểm toán là bến đỗ tiếp theo được lựa chọn.
- Hình dung về kết quả: Nhờ thầy Long và cô Chi, mình cảm nhận được tình yêu với nghề kiểm toán của những người làm nghề chân chính, và mình cũng muốn được như vậy. Mình muốn làm nghề bằng cái tâm, muốn được học hỏi từ chính sự đa dạng trong các mô hình kinh doanh của khách hàng, muốn được đi, tiếp xúc và trải nghiệm. Lúc ý mình cũng nghĩ nếu trúng tuyển thì chắc sẽ hạnh phúc lắm, và sự thật đúng như vậy.
- Chia nhỏ và tạo danh sách mục tiêu cụ thể: Hoàn thành xong khóa học PA, mình không đi nộp hồ sơ ngay vì biết có 1 lỗ hổng cần phải vá là Tiếng Anh chuyên ngành. Vậy là trong To do list có gạch đầu dòng đầu tiên là đăng ký học F2 và F3 của ACCA. Tiếp đó, muốn nộp hồ sơ nhanh thì cần có bộ tài liệu bản cứng và bản mềm sẵn, vậy là đi chụp 1 chiếc ảnh chân dung đẹp, làm lại giấy khám sức khỏe, CV, sơ yếu lý lịch,… Mấy phần chuẩn bị này chắc hôm nào làm 1 bài viết để chi tiết, cố gắng gây ấn tượng với nhà tuyển dụng từng chút chút nhé. Xong xuôi thì yên tâm rải CV và chuẩn bị tâm hồn đẹp đi phỏng vấn thôi.
- Hành động và nỗ lực: Ngày ý, mình nộp hồ sơ không mệt mỏi. Từ một đứa không tự tin trước đám đông, mình đi phỏng vấn “chai mặt” đến mức không còn sợ phỏng vấn. May mắn bằng sự chuẩn bị và cơ hội, và cơ hội thì không đến với những người chuẩn bị nhưng ngồi im, bạn phải tiến lên, chạy thật nhanh về phía trước thì mới tóm được cơ hội trước người khác.
- Thực hành lòng biết ơn: Nghe có vẻ không liên quan, lòng biết ơn thì giúp được gì ở đây? 10 năm trước mình không gọi tên được điều này, chỉ biết luôn có suy nghĩ “Thật may được làm ở công ty người quen nên có thể thẳng thắn xin phép cháu đang đi xin việc mới nên thỉnh thoảng hãy cho cháu nghỉ vài tiếng đi phỏng vấn hay đến muộn để đi nộp hồ sơ”. Nếu làm ở công ty thông thường, chắc chắn mình đã bị cho nghỉ với tần suất rải CV và phỏng vấn liên tục như vậy. Mình cũng thực lòng biết ơn công việc kế toán đầu tiên đã cho mình nền tảng để hoàn thành tốt công việc kiểm toán sau này.
- Tin tưởng và kiên nhẫn: Đây chắc chắn là yếu tố không thể thiếu. Nếu không kiên trì, mình đã dừng lại trước khi được gọi đi phỏng vấn ở công ty định mệnh ấy. Nếu không tin tưởng rằng bản thân có thể, mình đã gục ngã trước những lần bị trượt test, trượt phỏng vấn.
Câu chuyện này dù đã trải qua 10 năm nhưng vẫn sống động như mới đây thôi. Mình vẫn hay kể câu chuyện này, hoặc tự nhớ về khi cần động lực để hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn nào đó. Để vận dụng thành công luật hấp dẫn, đầu tiên cần có niềm tin. Dù Luật hấp dẫn không phải lúc nào cũng mang lại kết quả chính xác như bạn mong muốn, nó có thể giúp bạn chuẩn bị những điều kiện thuận lợi và tập trung để đạt được mục tiêu của mình.
Cảm ơn bạn đã ghé đọc,
Minh Hiền.
Ông trời không phụ người có công. Hãy cứ tiếp tục cố gắng phát triển nhé bạn ✌️
Yeahh, dù bạn đang mong muốn làm điều gì thì cùng cố gắng bạn nhé ^^